Giới thiệu chung
THỊ TRẤN PHÚ HÒA - VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI
I- LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
1. Quá trình định cư, lập làng Phú Hòa
Trước khi người Việt đến khai phá, vùng đất Phú Hòa vẫn còn “hoang vu, sinh lầy nước đọng, lau lách um tùm, đầy cọp, beo, sấu, rắn,… giữa rừng tràm bạt ngàn” . Đầu thế kỷ XVII, do chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn; do nạn sưu cao thuế nặng, nạn bắt phu bắt lính; do sự bóc lột tàn bạo của giai cấp địa chủ; do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt; lưu dân người Việt, phần lớn là những người nông dân nghèo khổ, từ miền Trung vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm vào vùng đất An Giang nói chung, Phú Hòa ngày nay nói riêng để khai hoang lập nghiệp.
Năm 1757, tuy chúa Nguyễn lập đạo Châu Đốc, Tân Châu nhưng lưu dân người Việt cũng chưa đến đây làm ăn sinh sống, lúc đầu chỉ là những đồn trại đóng rải rác và một ít xóm người Việt phần lớn là binh lính. Để tự túc lương thực, họ tiến hành khai phá đất đai chung quanh đồn, rồi dần dần về sau “dân chúng đã tự động vào sinh cơ lập nghiệp trong đất mới chứ chưa thấy tổ chức doanh điền nào của nhà cầm quyền” .
Để tăng cường phòng thủ đạo Châu Đốc, vốn thường xuyên bị quân Xiêm - Chân Lạp xâm lấn, năm 1789 tại vàm Tam Khê (vàm rạch Long Xuyên ngày nay) dựng lên một đồn nhỏ gọi là thủ Đông Xuyên để kiểm soát lưu thông trên sông Hậu. Khi trật tự an ninh ổn định, cư dân người Việt tự động hoặc theo chính sách di dân đến ven hai bờ rạch Long Xuyên để khai hoang lập thôn ấp. Theo Nguyễn Văn Hầu: “các thôn ấp lẻ tẻ đó bao giờ cũng được lập nên chung quanh các doanh trại, các đồn bảo gần bờ rạch, ven sông” . Ở Phú Hòa, điểm tập trung cư dân đến định cư sớm nhất là xung quanh ngã ba rạch Long Xuyên (kênh Rạch Giá - Long Xuyên) và rạch Bờ Ao.
Vào cuối thế kỷ XVIII, dân cư ở Phú Hòa còn thưa thớt, sống rải rác ven theo bờ rạch Long Xuyên, đất hoang còn nhiều bởi ở đây địa thế trũng thấp, khí hậu khắc nghiệt, giặc Xiêm La - Chân Lạp thường xuyên cướp phá vùng biên giới. Rồi những năm 1777 - 1789 là thời kỳ nội chiến khốc liệt giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn không ai lo tổ chức xã thôn nên làm chậm bước chân của người Việt đến đây khai khẩn. Chính vì thế, chúa Nguyễn chưa thành lập được các đơn vị hành chính ở vùng này.
Đầu thế kỷ XIX, tình hình biên giới tương đối lắng dịu, việc khai khẩn bờ phía tây sông Hậu được đẩy mạnh. Triều Nguyễn chủ trương đẩy mạnh khai hoang nhằm giải quyết phần nào tình trạng kinh tế - xã hội đang gặp nhiều khó khăn. Các chỉ dụ năm 1802, 1803 khuyến khích mọi người đi khai hoang với các thủ tục dễ dãi như: người dân tự lựa chọn nơi khai phá, chính quyền cho vay thóc giống, cho miễn thuế người đi khai phá đất hoang với thời hạn là 3 năm,… . Nhưng thực tế, việc tổ chức chiêu mộ dân đến khai hoang, lập ấp ở Phú Hòa không thành công vì nơi đây “giao thông không thuận lợi, dân cư bị nhiều dịch bệnh” . Trước tình hình khó khăn đó, triều Nguyễn tổ chức chiêu mộ dân chúng đến khẩn hoang với hai biện pháp chính: chiêu mộ dân cường tráng lập thành cơ đội và xúc tiến đào kênh. Trọng trách đó được giao cho vị công thần Nguyễn Văn Thoại.
Năm 1817, khi làm Trấn thủ Vĩnh Thanh, Nguyễn Văn Thoại chú ý đến việc khai hoang vùng đất Thoại Sơn bởi “nơi đây đất nước hoang vu, mịt mù cây rừng cỏ dại. Lạch nước tuy sẵn có tự bao giờ, nhưng nhỏ hẹp và bùn đọng cỏ lấp, ghe thuyền qua lại không được” và thấy được việc giao thông thương mại ở vùng đất này gặp nhiều khó khăn, mọi trao đổi hàng hoá giữa sông Hậu và vùng duyên hải Hà Tiên đều phải đi vòng qua đường biển. Ông nghĩ đến việc đào kênh và kiến nghị lên vua. Năm 1818, ông được vua Gia Long giáng chỉ cho đào kênh Đông Xuyên - Rạch Giá. Sau khi kênh đào xong, Thoại Ngọc Hầu khuyến khích dân chúng đến khai phá đất đai và lập thôn. Sự xâm nhập của lưu dân người Việt vào vùng đất Phú Hòa mạnh mẽ hơn. Họ tiếp tục lấn dần vào vùng đất hoang, “đất đai trồng trọt được mở rộng, dân cư ngày càng đông đúc hơn” , dẫn đến thôn Phú Hòa được thành lập vào những năm nửa đầu thế kỷ XIX (dưới thời vua Minh Mạng).
Những người lưu dân đầu tiên đến Phú Hòa khai hoang và định cư có nhiều nguồn gốc khác nhau. Họ là những người nghèo khổ từ miền Trung lần bước vào Nam kiếm sống; là những người giàu có được chúa Nguyễn chiêu mộ vào khai hoang lập ấp; là những người bị mắc tội lưu đày, bị sung quân khi mãn hạn ở lại lập gia đình làm ăn. Cộng đồng dân cư ở đây có một khát khao chung là tự do, là tìm được một mảnh đất bình yên để tồn tại.
2. Địa giới hành chính thị trấn Phú Hòa qua các thời kỳ lịch sử
Thị trấn Phú Hòa xưa kia thuộc vùng đất Tầm Phong Long . Những năm đầu thế kỷ XVIII, do tranh giành ngôi vua làm cho tình hình nội bộ nước Chân Lạp không ổn định. Năm Đinh Sửu 1757, để tạ ơn cứu giúp, vua Chân Lạp Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long cho chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Khoát tiếp nhận, “đem xứ Sa Đéc đặt làm đạo Đông Khẩu, xứ cù lao ở Tiền Giang đặt làm đạo Tân Châu, xứ Châu Đốc ở Hậu Giang làm đạo Châu Đốc” . Như vậy, về mặt quân sự, vùng đất Phú Hòa ngày nay thuộc đạo Châu Đốc, dinh Long Hồ.
Dưới thời vua Gia Long (1802-1820), từ biên giới Việt Nam - Campuchia xuống đến giáp biển, qua phía Rạch Giá, dân cư còn thưa thớt nên chưa chia ra đơn vị hành chính cấp tổng so với các nơi khác; vùng đất Phú Hòa thuộc thôn Mỹ Phước, huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh.
Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh; vùng đất Phú Hòa thuộc thôn Phú Hòa, tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Theo địa bạ An Giang năm 1836 ghi, phía đông giáp thôn Mỹ Phước, phía tây giáp thôn Vĩnh Thuận, phía nam giáp thôn Vĩnh Chánh, phía bắc giáp thôn Vĩnh Thuận. Như vậy, thôn Phú Hòa có diện tích rất rộng bao gồm thị trấn Phú Hòa, xã Phú Thuận và một phần xã Vĩnh Trạch ngày nay.
Năm 1868, sau khi chiếm xong Nam Kỳ, thực dân Pháp tiến hành thiết lập các đơn vị hành chính mới, tỉnh An Giang xưa chia làm 3 hạt tham biện: Châu Đốc, Sa Đéc, Ba Xuyên; vùng đất Phú Hòa thuộc tổng Định Phước, hạt Châu Đốc. Theo Nghị định ngày 5-1-1876, Pháp bỏ Nam Kỳ lục tỉnh thời Nguyễn, chia ra thành 4 khu vực Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bassac và đổi tên thôn thành làng. Khu vực Bassac có 6 hạt Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Trà Ôn, Sóc Trăng; làng Phú Hòa thuộc tổng Định Phước, hạt Long Xuyên. Theo Nghị định ngày 20-12-1899, Pháp bãi bỏ hạt thành tỉnh; làng Phú Hòa thuộc tổng Định Phước, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên.
Dưới chính quyền Sài Gòn, ngày 22-10-1956, tỉnh An Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên cũ và đổi tên làng thành xã; xã Phú Hòa thuộc tổng Định Phước, quận Châu Thành, tỉnh An Giang.
Về phía chính quyền Cách mạng, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ chủ trương bỏ cấp tổng, bỏ đơn vị làng, thống nhất gọi là xã, bỏ danh xưng quận và gọi thay thế bằng huyện; Phú Hòa thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Ngày 06-3-1948, thực hiện Chỉ thị số 50/CT của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc được chia thành hai tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hậu; Phú Hòa thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Châu Hậu. Ngày 30-10-1950, Theo Nghị định 58/TTg của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề nghị của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, hai tỉnh Long Châu Hậu và Hà Tiên sáp nhập thành tỉnh Long Châu Hà; Phú Hòa thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Châu Hà. Tháng 10-1954, sau Hiệp định Genève, Xứ ủy Nam Bộ lập lại hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc; Phú Hòa thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Theo sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, giữa năm 1957, hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc hợp nhất thành tỉnh An Giang, Phú Hòa thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Tháng 8-1971, tỉnh An Giang chia thành hai tỉnh An Giang và Châu Hà; Phú Hòa thuộc huyện Châu Thành X, tỉnh An Giang. Tháng 5-1974, Trung ương Cục miền Nam giải thể các tỉnh An Giang, Châu Hà và Kiến Phong để tái lập tỉnh Long Châu Hà, Long Châu Tiền và Sa Đéc; Phú Hòa thuộc huyện Châu Thành X, tỉnh Long Châu Hà cho đến ngày giải phóng.
Những tháng đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975) là thời kỳ quân quản. Đến tháng 2-1976, Nghị định của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam giải thể khu hợp nhất tỉnh, bỏ danh xưng “quận” có từ thời Pháp thuộc và lấy lại danh xưng “huyện”, “quận” và “phường” dành cho các đơn vị tương xứng với huyện và xã khi đã đô thị hoá; xã Phú Hòa thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Ngày 23-8-1979, theo Quyết định số 300-CP của Hội đồng Bộ trưởng chia huyện Châu Thành thành hai huyện Châu Thành và Thoại Sơn ; xã Phú Hòa thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Ngày 22-3-2002, theo Nghị định 29/2002/NĐ-CP của Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thành lập thị trấn Phú Hòa thuộc huyện Thoại Sơn trên cơ sở 523 ha diện tích tự nhiên của xã Phú Hòa và 220 ha diện tích tự nhiên của xã Vĩnh Trạch. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, xã Phú Hòa còn lại 3.013 ha diện tích tự nhiên, 9.816 người và đổi tên xã thành xã Phú Thuận thuộc huyện Thoại Sơn.
Hiện nay, thị trấn Phú Hòa có 5 ấp: Phú Hữu, Phú An, Phú Thiện, Hòa Đông, Thanh Niên.
II- ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI
Phú Hòa là thị trấn cửa ngõ của huyện Thoại Sơn, có Tỉnh lộ 943 đi qua - bắt đầu từ thành phố Long Xuyên đi huyện Tịnh Biên qua Campuchia, nên thị trấn có ý nghĩa quan trọng về giao thương kinh tế, chính trị, xã hội. Thị trấn cách trung tâm thành phố Long Xuyên 7 km, cách thị trấn Núi Sập (huyện lỵ Thoại Sơn) 19 km. Phía đông giáp phường Mỹ Hòa (thành phố Long Xuyên); phía tây giáp xã Vĩnh Trạch; phía nam giáp xã Vĩnh Chánh và Phú Thuận; phía bắc giáp phường Mỹ Hòa (thành phố Long Xuyên) và xã Vĩnh Thành (huyện Châu Thành) được ngăn cách bởi kênh Rạch Giá - Long Xuyên. Tổng diện tích đất tự nhiên 743 ha; trong đó có 348 ha đất sản xuất nông nghiệp, còn lại là đất ở đô thị.
Phú Hòa có khí hậu nhiệt đới gió mùa, tạo ra hai mùa nắng, mưa rõ rệt. Nhiệt độ cao nhất thường 36-380C, nhiệt độ thấp nhất hàng năm thường xuất hiện vào tháng 10 dưới 180C. Thị trấn ít chịu ảnh hưởng của gió bão nhưng lại chịu tác động mạnh của quá trình thủy văn. Hàng năm, khoảng từ tháng 7 âm lịch, mực nước trên kênh Rạch Giá - Long Xuyên và rạch Bờ Ao dâng cao, kết hợp với mưa nhiều làm cho gần như toàn bộ khu vực Phú Hòa chìm trong biển nước, độ ngập trung bình khoảng 1-3 mét. Thời gian ngập lụt kéo dài khá lâu, thường là khoảng 4 tháng. Năm nào nước nổi lên cao thì gây thiệt hại lớn về nhà cửa, tài sản và tính mạng người dân. Mùa nước nổi cũng có mặt tích cực, đã mang lại nguồn phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, mang lại nguồn lợi thủy sản và tạo công ăn việc làm cho một bộ phận nông dân trong mùa nước nổi. Những năm gần đây, với hệ thống đê bao khép kín, vào mùa nước nổi, nước không còn tràn vào đồng ruộng như xưa và hạn chế được thiệt hại do mùa lũ mang lại.
Thị trấn Phú Hòa có hệ thống kênh, rạch chằng chịt. Kênh Rạch Giá - Long Xuyên đoạn chảy qua thị trấn dài khoảng 4 km. Kênh có bề rộng bình quân khoảng 100 mét, độ sâu khoảng 8 mét. Ngày nay, kênh Rạch Giá - Long Xuyên là tuyến giao thông đường thuỷ rất quan trọng nối Phú Hòa với thành phố Long Xuyên, Rạch Giá và các địa phương khác trong vùng Tứ giác Long Xuyên, tàu thuyền qua lại tấp nập suốt ngày đêm. Ngoài ra, thị trấn còn có kênh, rạch Bờ Ao, Mặc Cần Dện Lớn, Xã Đội, Mười Cai, Sáu Triều, Ba Mây, Sáu Mẹo, Ông Bổn, Ba Đinh, Mương Trâu và kênh ranh Long Xuyên - Thoại Sơn. Các con kênh, rạch này không những cung cấp nguồn nước ngọt dồi dào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ sinh hoạt của đời sống người dân, mà còn là đường giao thông thủy rất thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Do địa hình chủ yếu là đồng bằng, là một trong ba thị trấn của huyện Thoại Sơn nên kinh tế chủ yếu của thị trấn là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Trong sản xuất nông nghiệp, người dân trồng cây lúa, cây hoa màu, cây ăn trái. Lúc mới khẩn hoang, việc trồng lúa của người dân Phú Hòa hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, mỗi năm gieo trồng được một vụ vào mùa mưa. Vào nửa đầu thế kỷ XIX, sách Gia Định thành thông chí mô tả : “…ruộng thấp thì cỏ lác, cỏ năn và bùn lầy, ngày nắng ráo thì đất rạn nẻ…, đợi đến khi cuối mùa hạ sang mùa thu, nước mưa đầy tràn, chặt phá cỏ lác cỏ năn, bừa cỏ đi, be đắp thành bờ, trang đất cắm mạ” . Sang đầu thế kỷ XX, do vùng đất Phú Hòa nằm ven bờ kênh Rạch Giá - Long Xuyên, rạch Bờ Ao tương đối trũng thấp và hàng năm phải đối phó với lũ lụt, người dân bắt đầu trồng cây lúa nổi, mỗi năm 1 vụ với giống Nàng Tây, Tàu Binh và năng suất đạt khoảng 1 tấn/ha. Các giống lúa này có khả năng tăng trưởng nhanh, phát triển theo mực nước, không sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, chịu được tình trạng ngập sâu, chiều cao từ 3 mét đến 5 mét, gieo trồng vào tháng 5, 6 và thu hoạch vào tháng 1, 2 năm sau; tuy nhiên, do kỹ thuật canh tác cây lúa nổi phụ thuộc vào thiên nhiên nên “năm nào bất ngờ xảy ra lũ lụt hoặc hạn hán, thì năm đó dễ mất mùa, nông dân rơi vào cảnh nghèo đói” . Sau năm 1975, do yêu cầu gia tăng sản xuất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi ở Phú Hòa phát triển mạnh mẽ, nhiều tuyến kênh được đào, nạo vét để rửa phèn. Người dân Phú Hòa không còn trồng lúa nổi mà chuyển sang trồng cây lúa Thần Nông mỗi năm 2 vụ, rồi 3 vụ tăng năng suất và sản lượng lương thực. Ngoài ra, trong lúc nông nhàn, một bộ phận người dân còn chăn nuôi gia súc, gia cầm theo dạng gia đình góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Với hệ thống kênh rạch chằng chịt, trước đây thị trấn là nơi rất giàu về tôm, cá nên một bộ phận người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Theo Thái Văn Kiểm, vào đầu thế kỷ XX, ở vùng An Giang nói chung, Phú Hòa nói riêng “có 93 loài cá, tôm, cua đang chen chúc bơi lội trên sông rạch” . Trước đây, vào mùa nước nổi, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người dân tất bật chuẩn bị tay lưới, lợp, xuồng ghe để khai thác thủy sản trong mùa nước nổi. Khi nước chuẩn bị rút xuống, mọi ngõ ngách, kênh rạch nào là cá linh, cá thác lác, cá chốt, cá leo... dân chúng đánh bắt bằng chài lưới, vó cất, vó gạt,... cá đầy ghe xuồng, ăn không hết phải phơi khô, làm mắm, ủ mắm. Tuy nhiên, những năm gần đây do hệ thống kênh, rạch được nạo vét, làm đê bao sản xuất lúa ba vụ trong năm nên gần như không còn mùa nước nổi trên đồng ruộng, vì vậy tôm, cá cũng ngày càng ít đi. Bên cạnh việc đánh bắt cá, người dân Phú Hòa còn nuôi tôm càng xanh nước ngọt, nuôi cá ở hầm và ở ruộng.
Sản xuất công nghiệp ở Phú Hòa hình thành khá sớm. Trước năm 1975, công nghiệp mang dáng dấp của những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được cơ giới hóa bằng máy móc ở một số khâu như xay xát lúa gạo. Sau năm 1975, do yêu cầu kiến thiết và nhịp độ xây dựng phát triển, khu công nghiệp Phú Hòa đã được hình thành. Thị trấn phát triển nhanh lĩnh vực công nghiệp về chế biến cá tra xuất khẩu, xay xát lúa gạo, lau bóng gạo xuất khẩu, sản xuất các cột bê tông, xưởng may. Cùng với công nghiệp, nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống cũng phát triển như nghề làm khô cá lóc,…
Giao thông thủy, đường bộ ở Phú Hòa phát triển rộng khắp, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi. Kênh, rạch Phú Hòa được xây dựng thành hệ thống hoàn chỉnh vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa là đê bao phòng lũ lụt và cũng là tuyến giao thông thuỷ bộ nối liền Phú Hòa với sông Hậu và bên trong vùng Tứ giác Long Xuyên.
Về đường thủy, khi lưu dân bước chân đến khai phá vùng đất An Giang nói chung, Phú Hòa nói riêng đã tận dụng điều kiện tự nhiên về sông nước để thích nghi với cuộc sống. Dựa theo sông ngòi, kênh rạch để xây dựng nhà ở, chợ búa. Dòng sông tự nhiên dần dần trở thành hệ thống giao thông đường thủy. Ghe, xuồng trở thành phương tiện đi lại và chuyên chở hàng hóa không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày. Khi hệ thống giao thông đường sông được hình thành, trên các tuyến sông đều xuất hiện hoạt động vận tải hành khách công cộng. Trước đây, nhiều tuyến tàu khách từ Rạch Giá, Núi Sập, Ba Thê đến chợ Long Xuyên đều ghé Phú Hòa để rước khách và chuyên chở hàng hóa. Hàng ngày, nhiều người dân sử dụng phương tiện thủy đi ra chợ Long Xuyên làm ăn buôn bán. Nhờ giao thông đường thủy thuận lợi đã đẩy mạnh hoạt động thương mại, chủ yếu là lúa gạo và sản phẩm nông nghiệp.
Về đường bộ, dưới thời Pháp thuộc, tuy Phú Hòa cách trung tâm tỉnh lỵ Long Xuyên khoảng 8 km nhưng việc đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đường thủy. Đến năm 1958, Phú Hòa mới khai thông đường xe theo kênh Rạch Giá - Long Xuyên nối Long Xuyên với Núi Sập; còn lại các con đường trong thị trấn đều là đường đất. Năm nào nước lũ lên cao thì các con đường đều ngập nước, việc đi lại của người dân và mọi vận chuyển chủ yếu bằng xuồng, ghe. Giống như bao vùng nông thôn khác ở huyện Thoại Sơn, Phú Hòa cũng bị chia cắt bởi các tuyến kênh, rạch ngang dọc chằng chịt, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2001, thị trấn đã chủ trương vận động xã hội hóa xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn. Hiện nay, hầu hết các con đường nông thôn liên xã, liên ấp với hơn 30 km đều được tráng nhựa hoặc bê tông xi măng góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Với Tỉnh lộ 943 và kênh Rạch Giá - Long Xuyên chạy qua, là cầu nối với thành phố Long Xuyên, Rạch Giá và các huyện khác trong vùng, đây là điều kiện thuận lợi cho huyện trong việc phát triển đô thị, thương mại và dịch vụ.
Giao thông thuận lợi thúc đẩy mạnh hoạt động thương mại phát triển. Với vị trí thuận lợi về đường thủy bộ, nằm ngã ba kênh Rạch Giá - Long Xuyên và rạch Bờ Ao, chợ Phú Hòa được hình thành rất sớm so với các nơi khác trong huyện. Chợ Phú Hòa đang được mở rộng đầu tư xây dựng, phát triển trở thành đô thị loại IV trong tương lại gần đây.
Tình hình dân số trên địa bàn thị trấn Phú Hòa có những biến động trong quá trình phát triển. Năm 1901, dân số làng Phú Hòa (thị trấn Phú Hòa, xã Phú Thuận) là 1.278 người , đến năm 1970 tăng lên 6.966 người . Theo tổng điều tra ngày 1-4-1999, dân số của xã Phú Hòa là 18.355 người, mật độ dân số 512 người/km2, đứng thứ ba trong huyện sau thị trấn Núi Sập và Vĩnh Trạch. Năm 2002, theo Quyết định của Chính phủ, xã Phú Hòa tách địa giới hành chính thành thị trấn Phú Hòa và xã Phú Thuận. Thị trấn Phú Hòa được thành lập trên cơ sở 9.033 người của xã Phú Hòa và 2.056 người của xã Vĩnh Trạch, nên dân số của thị trấn là 11.089 người. Khi trở thành thị trấn, đô thị được quy hoạch mở rộng, điều kiện làm ăn buôn bán thuận lợi, nhiều hộ dân nơi khác chuyển đến định cư. Theo Niên giám thống kê năm 2022, thị trấn có 11.879 người (có 6.010 nam và 5.869 nữ) , trong đó người Kinh có 11.753 người (chiếm 98,94%), người Khmer có 114 người (chiếm 0,92%), người Hoa có 12 người (chiếm 0,08%). Phần lớn người dân sinh sống tập trung ở nội ô thị trấn và ven kênh Rạch Giá - Long Xuyên, kênh Bờ Ao.
Về tôn giáo, thị trấn Phú Hòa có thành phần tôn giáo khá đa dạng, đa số người dân đều có đạo. Cùng với công cuộc khai hoang lập làng, nhiều tôn giáo cũng được quy tụ về đây. Đạo Phật được truyền bá sớm nhất do các đoàn người đi khai phá đất hoang mang vào. Khi công cuộc định cư ổn định cùng với việc lập thôn làng thì đình, chùa cũng bắt đầu được dựng lên. Năm 1939, đạo Phật giáo Hòa Hảo ra đời ở làng Hòa Hảo (huyện Phú Tân) và trong thời gian ngắn đã thu hút nhiều người dân theo đạo. Theo thống kê năm 2022, toàn thị trấn có 6.367 người theo đạo Phật giáo (74,9%), 1.877 người theo đạo Phật giáo Hòa Hảo (22,1%), 50 người theo đạo Cao Đài (0,59%), 69 người theo đạo Thiên Chúa (0,8%), 6 người theo đạo Tin Lành (0,07%), còn lại là tôn giáo khác và không tôn giáo.
Trích “Lịch sử Đảng bộ thị trấn Phú Hòa 1954-2015” xuất bản năm 2015